Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

XIN ĐỪNG! TIẾNG VỖ TAY LẠC LÕNG


 “…Chưa rõ từ khi nào, nhạc giao hưởng được người ta khóac cho cái áo nhạc bác học, và vì thế ai mặc nó, nghiễm nhiên  được coi là người có văn hóa cao, đôi khi còn được xếp vào hàng  sang trọng thanh lịch, vân vân và vân vân.
So sánh  đơn giản, nhạc giao hưởng giống như cuốn tiểu thuyết. Chú viết ra hàng ngàn trang chưa chắc đã chứa nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời bằng chị kia viết truyện ngắn mấy trang. Tương tự, bác thích đọc  trường thiên tiểu thuyết cũng chưa đủ bằng chứng uyên bác hơn nhà em chỉ mê mẩn mấy bài haiku…”
“Ở đây, thuần là sở thích cá nhân.
Phàm sở thích cá nhân, nếu bạn thấy chỗ nào hay quá, thú quá, thì cứ vỗ tay thoải mái đi, một mình bạn cũng cứ vỗ…”
Đoạn trích trên là cóp sờ bi ở ĐÂY
Với mình, mình thấy cái nhận định và cái cổ súy ni rất chân chất, hồn nhiên và tiện miệng. (Cứ như… a hội à, ừ hội ừ là ứ hội hừ vậy, he he).


1. Đã có một thời, người Nhật lao vào ngiên cứu, truyền bá và ngưỡng mộ dòng nhạc cổ điển của phương tây. Họ coi nó là ngọn Phú Sỹ trong tất cả các thể loại âm nhạc. Tuy nhiên, khi gần như đã nắm bắt, am hiểu tỏ tường âm nhạc cổ điển của châu Âu, thì cũng là lúc người Nhật lại nhận thấy, nếu đem so sánh với âm nhạc dân tộc của họ với cổ điển thì âm nhạc dân tộc của họ cũng là một ngọn núi khác, lừng lững không kém. Dẫn vậy để nói, các thể loại âm nhạc luôn có những giá trị riêng, có công chúng và chỗ đứng của riêng nó. Và khi đã là món ăn tinh thần, thì không ai bắt ta và cũng không nên cố phải ăn món không hợp khẩu vị của mình.
2. Không ai khoác cho giao hưởng cái áo nhạc bác học vì thực sự nó chính là nhạc bác học. Bởi để có dòng nhạc nghệ thuật ấy, nó đòi hỏi tổng hòa các yếu tố từ tài năng thiên bẩm, tư duy sáng tạo tột đỉnh của nhà soạn nhạc, sự dày công khổ luyện của nghệ sỹ biểu diễn đến văn hóa và khả năng cảm thụ của công chúng yêu nhạc.
Nếu không phải là tình yêu âm nhạc giả tạo, thì công chúng đến với giao hưởng luôn là những đối tượng có chọn lọc. Đó phải là những người có phông văn hóa và phải có một khả năng cảm thụ (tai âm nhạc) đủ sâu để hiểu được ngôn ngữ của âm nhạc và khi nghe, họ phải hình dung được câu chuyện đang được kể bằng tổ hợp âm thanh của dàn nhạc giao hưởng.
Tất cả những thứ đó không bỗng dưng mà có. Nó phải có sự hướng dẫn, phải được rèn luyện và sự trải nghiệm lâu dài.
3. Nếu coi một bản giao hưởng (Symphony) là cuốn tiểu thuyết thì cái gì là một truyện ngắn? Sonata, Serenade, Nocturne, Romance hay là một ca khúc. Cái cách so sánh của bạn Beo, thì rõ là của người không hiểu nhiều về âm nhạc. Vì hỉ nộ ái ố được dồn như thế nào vào trong cái “truyện ngắn” đó, khi cấu trúc của ca khúc hay các thể loại vừa kể trên thường đơn giản (từ 1 đến 3 đoạn đơn) và tựu chung có tính đồng nhất về màu sắc. Vậy thì cái hỷ, nộ, ái, ố không bao giờ được gói gém trong một “truyện ngắn” như bạn nghĩ. Thêm nữa, người biết đọc, biết viết có thể thành tiểu thuyết gia, nhưng để thành nhà soạn nhạc viết được các bản giao hưởng bạn phải có kiến thức uyên bác về âm nhạc.
Quay lại nhạc giao hưởng, ta thử lấy một cuốn “tiểu thuyết” của Beethoven: Bản giao hưởng định mệnh  (số 5) để thử xem nó có gì trong ấy: Bản giao hưởng gồm bốn chương (chương 1: Allegro, chương 2: Andante, chương 3: Scherzo. Allegro và chương 4: Allegro), trong đó chương 1 được xem là hay nhất và quen thuộc nhất. Chủ đề tư tưởng và nội dung của bản giao hưởng sẽ đưa chúng ta qua 4 giai đoạn với các trạng thái từ sợ hãi, tuyệt vọng sang hào hứng, phấn chấn,  cuối cùng là thắng lợi trọn vẹn. Xuyên suốt tác phẩm là sự ngợi ca tình yêu cuộc sống. Beethoven viết bản giao hưởng này bằng chính những cảm xúc lấy từ cuộc đời của ông. Nói thế để xin đừng đưa cái chuẩn tiểu thuyết với truyện ngắn ra mà rập khung cho giao hưởng hay sonata…
4. Sân chơi nào cũng đòi hỏi những quy định của riêng nó. Vì thế, thưởng thức âm nhạc cũng cần phải và thực tế cũng là một môn học. Nếu bạn là một công chúng yêu nhạc hãy chọn thứ âm nhạc mà mình yêu thích và tận hưởng nó một cách khoan khoái ở đúng nơi nó mang lại hiệu quả nhất. Đất nước ta còn nghèo, đời sống kinh tế của đại bộ phận dân chúng còn khó khăn, Việc phổ cập thưởng thức âm nhạc còn hạn chế, nên đại bộ phận công chúng chưa được tiếp cận với thứ tinh hoa của âm nhạc. Đó thật sự là một thiệt thòi to lớn. Còn bạn, nếu bạn muốn thử nghe hòa nhạc ở một nhà hát, xin hãy tìm hiểu kỹ về nội dung mà mình định nghe. Hãy để tâm tới những quy ước chung dành cho công chúng nghe hòa nhạc. Đừng làm phân tâm nghệ sỹ biểu diễn và làm phiền người đang chăm chú nghe bên cạnh mình bằng những âm thanh không phù hợp với âm nhạc. Buổi hòa nhạc sẽ thực sự thành công nếu bạn thể hiện tròn vai của người đi nghe hòa nhạc.
Lời cuối
Chúng ta đến với bóng đá cũng đã lâu. Và Việt Nam là một đất nước yêu bóng đá, nhưng khán giả Việt còn lâu mới tạo được một con sóng chạy quanh sân vận động, dù chỉ với một động tác đơn giản, khán giả đứng lên, ngồi xuống một cách có quy ước. Vì sao vậy???

6 nhận xét:

  1. Nẫu nhể. Chứ trung thành với vi ô lông bẹn đi cho đời tươi, đú đéo gì mây thứ âm nhạc lố lăng phương tây kia :D :D.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào mát giời anh qua cò cưa violon với Bép nhể. Riêng quả đôc tấu "Xe chỉ luồn kim" thì trình anh không có đối thủ nhá. :))

      Xóa
  2. Ùa, léo gì chứ cái bài kiểu: ối anh ơi chiều qua anh còn qua nhà em uống nước, sáng nay anh đã đi rồiiii... quyện với vi ô lông bẹn, trống bỏi, vưn vưn ... theo điệu Sanh đầy mỡ lợn.. thì anh ca cũng tạm hã hã.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chú tuổi con gì mà cao số thế? Bụp thằng nào là thằng đấy ngủm à? :))

      Xóa
  3. Anh chiên nghề khóc thuê ở đám ma thôi :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thảo nào khi hội đàm với chú, anh toàn nghe mùi tử khí :-*

      Xóa

 Con đường ra biển lớn